Diễn biến Cuộc bao vây Đại sứ quán Iran

Ngày một: 30 tháng 4

Trụ sở Đại sứ quán Iran ở số 16 Princes Gate, Luân Đôn, năm 2008

Khoảng 11:30 ngày 30 tháng 4, sáu thành viên DRFLA có vũ trang đã xông vào tòa Đại sứ quán Iran ở đường Princes Gate, quận Nam Kensington. Các tay súng nhanh chóng khống chế Trevor Lock, một cảnh sát an ninh thuộc Lực lượng An ninh Ngoại giao (DPG) của Sở Cảnh sát Thủ đô. Lock lúc đó đang mang theo một khẩu súng lục ổ xoay Smith & Wesson cỡ nòng .38 calibre, nhưng đã được ông giấu kín trong người và quyết định không rút ra để bắn trả do bị áp đảo về hỏa lực.[10] Dù bị khám xét kỹ lưỡng, nhưng các tay súng không tìm ra khẩu súng của ông. Lock cũng từ chối đề nghị cởi áo khoác của các tay súng với lý do muốn "giữ gìn hình ảnh" của một viên cảnh sát. Ngoài ra, Lock còn từ chối đề nghị cung cấp đồ ăn trong suốt thời gian diễn ra cuộc bao vây, lo sợ rằng các tay súng sẽ phát hiện ra khẩu súng của ông nếu ông phải sử dụng nhà vệ sinh.[11][12]

Dù phần lớn những người có mặt trong đại sứ quán đều bị bắt, nhưng ba người đã kịp trốn thoát; hai người đã trèo ra khỏi cửa sổ tầng trệt và người thứ ba đã trèo qua lan can tầng 1 để chạy sang tòa Đại sứ quán Ethiopia ở bên cạnh. Người thứ tư, ông Gholam-Ali Afrouz - tham tán đại sứ quán và là quan chức ngoại cấp cao nhất của Iran có mặt lúc đó - đã cố gắng trèo qua cửa sổ tầng 1 để trốn thoát, nhưng bị thương trong quá trình này và ông nhanh chóng bị bắt. Afrouz và 25 con tin khác sau đó được đưa đến một căn phòng trên tầng hai.[13] Phần lớn con tin là nhân viên đại sứ quán, chủ yếu là công dân Iran, và một số nhân viên người Anh. Những con tin còn lại, trừ Lock, là khách thăm quan. Ông Afrouz mới nắm giữ chức vụ tham tán chưa đầy một năm, sau khi người tiền nhiệm của ông bị cách chức sau cuộc Cách mạng Hồi giáo. Abbas Fallahi, một người quản gia trước cách mạng, được Afrouz bổ nhiệm làm người gác cửa. Một trong những nhân viên người Anh bị bắt là Ron Morris, đến từ Battersea, và ông đã làm việc cho đại sứ quán ở nhiều vị trí khác nhau từ năm 1947.[14]

Trong quá trình diễn ra vụ việc, cảnh sát và truyền thông Anh đã xác định được danh tính của vài con tin khác. Mustapha Karkouti là một nhà báo đưa tin về cuộc khủng hoảng tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran và đã có mặt tại đại sứ quán để phỏng vấn Abdul Fazi Ezzati, tùy viên văn hóa. Muhammad Hashir Faruqi, một nhà báo khác, cũng đến đại sứ quán để phỏng vấn Afrouz cho một bài báo về Cách mạng Iran. Simeon "Sim" Harris và Chris Cramer, hai nhân viên của BBC, đang ở đại sứ quán để cố gắng xin thị thực đến Iran để đưa tin về hậu quả của cuộc cách mạng năm 1979, sau nhiều nỗ lực không thành công.[15]

Cảnh sát Anh nhanh chóng có mặt tại hiện trường ngay sau khi nhận được những báo cáo đầu tiên về vụ nổ súng, và trong vòng 10 phút, bảy sĩ quan DPG đã tập trung ở ngoài đại sứ quán. Họ sau đó lập đội hình bao vây đại sứ quán, nhưng phải rút lui sau khi bị một tay súng xuất hiện ở cửa sổ đe dọa nổ súng. Phó Cảnh sát trưởng John Dellow đến nơi gần 30 phút sau đó và tiếp nhận quyền chỉ huy chiến dịch.[16] Dellow cho lập sở chỉ huy tạm thời trên chiếc xe của ông, trước khi chuyển đến Trường May vá Hoàng gia ở cuối đường Princes Gate và sau đó chuyển về một trường mẫu giáo ở số 24 Princes Gate. Dellow đã cho triển khai đơn vị chiến thuật D11, các xạ thủ bắn tỉa của Sở Cảnh sát Hoàng gia và các sĩ quan trinh sát.[17] Một tổ đàm phán cảnh sát do Thanh tra trưởng Max Vernon lãnh đạo, đã liên lạc được với Oan thông qua một hệ thống điện thoại dã chiến được đưa qua cửa sổ đại sứ quán, và được hỗ trợ bởi một nhà đàm phán ngoại giao và một bác sĩ tâm lý. Vào lúc 15:15, Oan đưa ra yêu cầu đầu tiên của DRFLA, trả tự do cho 91 người Ả Rập bị giam giữ trong các nhà tù ở Khūzestān, đồng thời đe dọa sẽ cho nổ tung đại sứ quán cùng các con tin ở trong nếu điều này không được thực hiện trước trưa ngày 1 tháng 5.[18][19]

Một số lượng lớn nhà báo đã có mặt tại hiện trường và nhanh chóng được tập trung tại một khu vực nằm ở mặt tiền phía tây của đại sứ quán.[20] Những người dân Iran cũng tập trung xung quanh đại sứ quán để biểu tình phản đối hành động của DRFLA đến khi cuộc bao vây kết thúc.[21] Một sở chỉ huy cảnh sát độc lập đã được thành lập để ngăn chặn những cuộc biểu tình lớn, và một vài cuộc đụng độ bạo lực đã diễn ra giữa các đơn vị cảnh sát và người biểu tình.[22] Ngay sau khi có thông tin về sự việc, Chính phủ Anh đã thành lập ủy ban khẩn cấp COBRA (Cabinet Office Briefing Rooms). COBRA bao gồm các bộ trưởng, công chức và các cố vấn cấp cao, trong đó có các đại diện của cảnh sát và lực lượng vũ trang Anh. Ủy ban được chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Nội vụ William Whitelaw vì Thủ tướng Anh Margaret Thatcher vắng mặt. Chính phủ Iran sau đó cáo buộc chính phủ Anh và Mỹ đã tài trợ cho các tay súng trong cuộc tấn công để trả thù cho sự kiện tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran. Vì không nhận được sự hợp tác từ Iran và sau khi nhận được báo cáo tình hình từ Bộ trưởng Whitelaw, Thatcher đã quyết định áp dụng luật pháp của Anh lên khu vực đại sứ quán của Iran. Lúc 16:30, các tay súng thả con tin đầu tiên, Frieda Mozaffarian. Mozaffarian có sức khỏe không được tốt khi cuộc bao vây diễn ra, nên Oan đã yêu cầu cử bác sĩ vào tòa đại sứ để điều trị cho cô, nhưng bị cảnh sát Anh từ chối. Các con tin khác đã cùng nhau đánh lừa Oan rằng Mozaffarian đang mang thai, nên Oan đã miễn cưỡng thả tự do cho Mozaffarian sau khi tình trạng của cô ấy ngày một xấu đi.[17]

Ngày hai: 1 tháng 5

Tòa nhà số 14 Princes Gate, nơi được sử dụng để làm căn cứ tiền phương của SAS trong cuộc vây hãm

Cuộc họp của ủy ban COBRA tiếp tục diễn ra suốt đêm và đến sáng thứ năm ngày 1 tháng 5. Trong khi đó, Sở chỉ huy Lực lượng Tác chiến Đường không Đặc biệt (SAS) đã huy động hai đơn vị SAS từ Herefird đến điểm chờ ở Doanh trại Regent's Park. Các thành viên SAS được triển khai thuộc Đại đội B của Trung đoàn SAS 22, và cùng với các chuyên gia kỹ thuật từ đại đội khác, họ mang theo lựu đạn khí ga CS, lựu đạn choáng, thuốc nổ và trang bị tiêu chuẩn là súng tiểu liên Heckler & Koch MP5 và súng lục Browning Hi-Power. Trung tá Michael Rose, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 22, đã đến trước đội của ông và phối hợp với Phó Cảnh sát trưởng Dellow. Vào khoảng 03:30 ngày 1 tháng 5, một đội SAS di chuyển vào tòa nhà số 14 Princes Gate ở bên cạnh đại sứ quán, nơi họ được thông báo về kế hoạch "hành động ngay lập tức" của Rose sẽ sớm được thực hiện. Các nhóm SAS được lệnh chờ bên ngoài, và đến khi ban chỉ huy thống nhấn kế hoạch tấn công cuối cùng, họ sẽ xông vào tòa nhà tiêu diệt các tay súng và giải cứu con tin.[23][24][25]

Sáng sớm ngày 1 tháng 5, các tay súng yêu cầu một con tin gọi điện thoại bàn từ đại sứ quán tới trụ sở của hãng thông tấn BBC. Trong cuộc gọi này, Oan đã trực tiếp nói chuyện với một nhà báo BBC, xác định rõ thông tin tổ chức của họ và hứa sẽ đảm bảo an toàn cho các con tin không phải gốc Iran, nhưng ông từ chối không cho BBC nói chuyện với bất kỳ con tin nào khác. Cảnh sát sau đó đã cắt toàn bộ đường dây điện thoại từ đại sứ quán, buộc các tay súng chỉ có thể liên lạc với bên ngoài thông qua chiếc điện thoại dã chiến của cảnh sát. Sau khi ngủ dậy, Chris Cramer, một con tin và là chuyên viên âm thanh của BBC, bắt đầu có dấu hiệu ốm nặng. Anh và ba con tin khác đã thảo luận rằng một trong số họ phải ra được bên ngoài, và để làm được điều này, Cramer đã phóng đại một cách thuyết phục các triệu chứng của căn bệnh này tới các tay súng. Đồng nghiệp của Cramer, Sim Harris, bị bắt gọi liên lạc tới cảnh sát Anh và thương lượng đưa một bác sĩ vào trong đại sứ quán. Cảnh sát Anh từ chối, thay vào đó, họ yêu cầu Harris thuyết phục Oan thả tự do cho Cramer. Cuộc đàm phán giữa Harris, Oan và cảnh sát kéo dài gần hết buổi sáng, và Cramer được trả tự do vào lúc 11:15. Anh nhanh chóng được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu, và một vài sĩ quan cảnh sát cũng được cử đi theo để thu thập lời khai của Cramer.[26][27]

Khi thời hạn thực hiện yêu cầu của Oan vào trưa ngày 1 tháng 5 đến gần, cảnh sát Anh tin rằng các tay súng không có đủ khả năng để tiến hành mối đe dọa cho nổ tung đại sứ quán, nên đã thuyết phục Oan đồng ý với thời hạn mới là 14:00 cùng ngày. Trong buổi chiều, Oan thay đổi yêu cầu của mình, yêu cầu truyền thông Anh phải phát tuyên bố về sự bất bình của nhóm, đồng thời yêu cầu các đại sứ của ba quốc gia Ả Rập đàm phán với nhóm để giúp họ rời khỏi Vương quốc Anh an toàn ngay sau khi tuyên bố trên được phát đi.[27]

Khoảng 20:00, Oan bị kích động bởi những tiếng ồn phát ra từ Đại sứ quán Ethiopia ở bên cạnh. Tiếng ồn đó xuất phát từ những chiếc máy khoan, đang được các kỹ thuật viên khoan vào tường để cài thiết bị nghe lén vào. Khi viên cảnh sát Trevor Lock bị các tay súng chất vấn về tiếng ồn trên, ông đã nói dối rằng đó là do chuột tạo ra. Ủy ban COBRA đã ra chỉ thị tạo ra càng nhiều nhiều tiếng ồn xung quanh đại sứ quán Iran càng tốt để che đi âm thanh của tiếng máy khoan, và yêu cầu công ty British Gas khoan một đường ống giả ở con đường liền kề, với lí do là sửa chữa đường ống dẫn khí đốt. Yêu cầu này sau đó bị hủy bỏ sau khi nó kích động tâm lý bất ổn của các tay súng trong đại sứ quán. COBRA sau đó liên lạc tới Cơ quan Hàng không Anh và Sân bay Heathrow ở Luân Đôn, yêu cầu hướng dẫn các máy bay bay đến sân bay phải bay qua đại sứ quán ở độ cao thấp.[25][27][28]

Ngày ba: 2 tháng 5

Lúc 09:30 ngày 2 tháng 5, Oan xuất hiện tại cửa sổ tầng một của đại sứ quán, yêu cầu cung cấp quyền truy cập vào hệ thống viễn tín, vốn đã bị cảnh sát cắt cùng với đường dây điện thoại vào ngày 1 tháng 5, và đe dọa sẽ giết ông Abdul Fazi Ezzati, tùy viên văn hóa. Cảnh sát từ chối và Oan đã chĩa súng vào Ezzati, rồi đẩy ông qua phòng, và yêu cầu được nói chuyện với ai đó ở BBC có quen biết với Sim Harris. Cảnh sát đã mời Tony Crabb, gám đốc điều hành của BBC Television News và là sếp của Harris. Oan tiếp tục đưa ra những đòi hỏi của mình với Crabb; được rời khỏi Anh an toàn, được đàm phán với ba đại sứ nước Ả Rập, và yêu cầu BBC phát đi tuyên bố về sứ mệnh của những kẻ bắt giữ con tin. Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung đã liên lạc tới đại sứ quán của Algeria, Jordan, Kuwait, Lebanon, Syria và Qatar thông qua kênh liên lạc không chính thức, để hỏi xem liệu đại sứ của họ có sẵn sàng nói chuyện với những kẻ bắt giữ con tin hay không. Đại sứ Jordan ngay lập tức từ chối và năm người còn lại cho biết họ sẽ hỏi ý kiến chính phủ của họ.[29] BBC đã phát đi bản tuyên bố của Oan vào buổi tối cùng ngày, nhưng Oan không hài lòng và cho rằng bản tuyên bố đó đã bị BBC cắt xén đi.[30][31]

Trong khi đó, cảnh sát đã xác định được danh tính của người quản gia đại sứ quán và tức tốc đưa ông đến sở chỉ huy tiền phương để họp bàn với các sĩ quan cấp cao của quân đội và cảnh sát. Người quản gia nói rằng cửa trước của đại sứ quán được gia cố bằng thép an ninh, các cửa sổ ở tầng trệt và tầng một được lắp kính chống đạn theo đề xuất của các đơn vị đặc nhiệm SAS khi họ được mời kiểm tra an ninh đại sứ quán vài năm trước đó. Kế hoạch đột nhập vào đại sứ quán bằng cách phá cửa trước và cửa sổ tầng trệt buộc phải loại bỏ và quân đội Anh bắt đầu suy nghĩ đến các khả năng khác.[32]

Ngày bốn: 3 tháng 5

Tức giận vì BBC đưa tin sai sự thật về yêu cầu của mình vào tối hôm trước, Oan đã liên lạc tới tổ đàm phán của cảnh sát vào khoảng 06:00 và cáo buộc chính phủ Anh đã lừa dối anh. Oan yêu cầu được nói chuyện với một đại sứ người Ả Rập, nhưng được các nhà đàm phán cảnh sát nói rằng Văn phòng Đối ngoại vẫn đang thu xếp việc đó. Nhận ra thủ đoạn trì hoãn của cảnh sát Anh, Oan đe dọa các con tin người Anh sẽ là những người cuối cùng được thả vì sự lừa dối của chính phủ Anh, và Oan sẽ bắn chết một con tin nếu Tony Crabb không được đưa đến đại sứ quán. Khoảng 15:30, Crabb mới đến được khu vực đại sứ quán, gần mười giờ sau khi yêu cầu của Oan được đưa ra, và điều đó khiến cả Oan và Sim Harris khá bực bội. Oan tiếp tục đưa ra một tuyên bố tiếp theo tới Crabb thông qua Mustapha Karkouti, một nhà báo cũng đang bị bắt làm con tin trong đại sứ quán. Đại diện cảnh sát Anh hứa tuyên bố này sẽ được phát trên bản tin tiếp theo của BBC, đổi lại Oan phải thả tự do cho hai con tin nữa. Các con tin tự quyết định rằng hai người được thả sẽ là Hiyech Kanji và Ali-Guil Ghanzafar; Kanji lúc đó đang mang thai và người thứ hai Ghanzafar được thả vì tiếng ngáy ngủ to của ông, khiến những con tin khác không ngủ được vào ban đêm và khiến những tay súng rất khó chịu.[33][34]

Khoảng 23:00, một nhóm SAS đã đi trinh sát mái nhà của đại sứ quán. Họ phát hiện ra một cái giếng trời và mở khóa nó thành công. Cái giếng này có thể được sử dụng nhưng một lối vào của mũi xung kích, nếu họ được lệnh xông vào tòa nhà. Vài đoạn dây thừng sau đó được buộc sẵn vào các cột ống khói để lính SAS có thể sử dụng để leo vào tòa nhà trong cuộc đột kích sắp tới.[35]

Ngày năm: 4 tháng 5

Trong ngày 4 tháng 5, Văn phòng Đối ngoại Anh tiếp tục tổ chức một cuộc họp với các nhà ngoại giao Ả Rập, với hy vọng thuyết phục được họ đến đại sứ quán của Iran và đàm phán với các tay súng DRFLA. Cuộc họp do Doughlas Hurd, Quốc vụ khanh về Châu Âu, chủ trì và kết thúc trong bế tắc. Các nhà ngoại giao Ả Rập khẳng định rằng chỉ khi người Anh đảm bảo được một lối thoái an toàn khỏi Anh cho các tay súng, thì mới có được một kết quả tốt đẹp, nhưng chính phủ Anh kiên quyết không xem xét và cung cấp bất kỳ đường thoát nào trong bất kỳ trường hợp nào. Karkouti, một con tin được Oan sử dụng làm trung gian để chuyển những yêu cầu của hắn tới cảnh sát vào ngày 3 tháng 5, ngày một ốm yếu và lên cơn sốt vào buổi tối, dẫn đến những ý kiến cho rằng cảnh sát đã tẩm thuốc vào đồ ăn được gửi vào đại sứ quán. Bản thân John Dellow đã cân nhắc ý tưởng này và đã xin ý kiến từ các bác sĩ về khả năng thành công của nó, nhưng cuối cùng cũng bác bỏ ý tưởng vì "không thể thực hiện được."[36][37]

Các sĩ quan SAS tham gia vào chiến dịch, bao gồm Chuẩn tướng Peter de la Billière, Giám đốc SAS, Trung tá Rose, Trung đoàn trưởng Trung đoàn SAS 22, và Thiếu tá Hector Gullan, chỉ huy của đội đột kích, đã dành cả ngày để điều chỉnh kế hoạch tấn công của họ.[37]

Ngày sáu: 5 tháng 5

Oan đánh thức Lock vào lúc bình minh, cho rằng có kẻ đột nhập vào đại sứ quán và bắt Lock đi kiểm tra xung quanh, nhưng không tìm thấy bất kỳ kẻ xâm nhập nào. Khi trời sáng, Oan gọi Lock đến kiểm tra chỗ phình ra ở trên bức tường ngăn cách đại sứ quán Iran và đại sứ quán Ethiopia bên cạnh. Trên thực tế, các chuyên viên cảnh sát đã gỡ bỏ vài viên gạch ở bên tường đại sứ quán Ethiopia để gắn thiết bị nghe lén và phục vụ việc phá tường xông vào cho cuộc đột kích sắp tới, dẫn đến việc cấu trúc bức tường bị suy yếu và phình ra. Mặc dù Lock trấn an Oan rằng Lock không tin cảnh sát sẽ ập vào tòa nhà, nhưng Oan vẫn cho rằng người Anh "đang âm mưu gì đó" và cho chuyển các con tin nam xuống một căn phòng ở dưới sảnh. Căng thẳng tiếp tục gia tăng trong suốt buổi sáng và đến 13:00, Oan nói với cảnh sát rằng hắn sẽ giết một con tin trừ khi Oan có thể nói chuyện với một đại sứ Ả Rập trong vòng 45 phút. Lúc 13:40, Lock liên lạc tới cảnh sát Anh rằng các tay súng đã đưa Abbas Lavasani, trưởng phòng báo chí của đại sứ quán, xuống tầng dưới và đang chuẩn bị hành quyết anh ta. Lavasani, một người ủng hộ mạnh mẽ Cách mạng Iran năm 1979, đã nhiều lần khiêu khích các tay súng DRFLA trong suốt cuộc bao vây. Theo Lock, Lavasani nói rằng "nếu họ định giết một con tin, [Lavasani] muốn đó là anh ta." Đúng 13:45, 45 phút sau yêu cầu nói chuyện với đại sứ người Ả Rập của Oan, ba tiếng súng vang lên từ bên trong tòa đại sứ quán.[38][39]

Whitelaw vội vã quay trở lại Whitehall từ một buổi họp ở Slough cách đó khoảng 30 km, 19 phút sau khi có báo cáo về các phát súng trong đại sứ quán. Ông nhận được bản tóm tắt về kế hoạch tấn công của SAS từ tướng de la Billière, với mức thương vong về con tin có thể lên đến 40%. Sau khi cân nhắc kĩ càng, Whitelaw ra lệnh cho các đơn vị SAS chuẩn bị tấn công tòa nhà trong thời gian ngắn. Trung tá Rose nhận được mệnh lệnh trên lúc 15:50, và đến 17:00, các nhóm SAS đã vào vị trí đợi lệnh tấn công. Cảnh sát Anh đã mời một imam từ Nhà thờ Hồi giáo Regent's Park lúc 18:20, với lo sợ rằng cuộc đàm phán sắp đi đến "điểm khủng hoảng" và yêu cầu vị imam thuyết phục các tay súng. Thêm ba phát súng nữa được bắn ra trong quá trình đàm phán của vị imam với Oan. Oan sau đó thông báo rằng một con tin đã bị giết, và những người còn lại sẽ bị giết trong 30 phút nữa trừ khi những yêu cầu của hắn được đáp ứng. Vài phút sau, thi thể của Lavasani được quẳng ra trước cửa đại sứ quán. Dựa vào kết quả khám nghiệm pháp y sơ bộ tại hiện trường, một chuyên viên y tế ước tính rằng Lavasani đã chết ít nhất một giờ trước đó, nên Lavasani không thể là nạn nhân của ba phát súng gần đây nhất. Điều này khiến cảnh sát tin rằng có hai con tin đã bị sát hại, nhưng trên thực tế, chỉ có Lavasani bị bắn chết.[40]

Sau khi thu hồi được thi thể của Lavasani, David McNee, Cảnh sát trưởng Sở Cảnh sát Thủ đô, đã liên lạc tới Bộ Nội vụ để yêu cầu cấp toàn bộ quyền quản lý chiến dịch cho Quân đội Anh dựa theo các điều khoản của Luật Viện trợ Quân sự cho Chính quyền Dân sự (MACA). Whitelaw chuyển yêu cầu tới Thủ tướng Thatcher, và được thủ tướng đồng ý ngay lập tức. Do đó, John Dellow, sĩ quan cảnh sát cấp cao tại có mặt tại khu vực đại sứ quán, đã ký giao quyền kiểm soát chiến dịch cho Trung tá Rose lúc 19:07, ủy quyền cho Rose ra lệnh tấn công theo quyết định của ông. Trong khi đó, các nhà đàm phán tiếp tục thương lượng với Oan. Họ đưa ra những yêu cầu nhượng bộ để đánh lừa Oan và ngăn không cho hắn giết thêm con tin, và câu thêm thời gian để các đơn vị SAS hoàn thành bước chuẩn bị cuối cùng cho cuộc đột kích.[41][42][43]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cuộc bao vây Đại sứ quán Iran http://news.bbc.co.uk/2/hi/in_depth/uk/2000/irania... http://news.bbc.co.uk/2/hi/in_depth/uk/2000/irania... http://news.bbc.co.uk/2/hi/uk_news/4285827.stm http://news.bbc.co.uk/1/hi/in_depth/uk/2000/irania... http://news.bbc.co.uk/2/hi/in_depth/uk/2000/irania... https://www.bbc.com/news/uk-12020393 https://www.polygon.com/2014/10/21/7033719/how-rai... https://www.theguardian.com/uk/2002/jul/24/militar... https://www.theguardian.com/politics/2005/feb/20/t... https://www.theguardian.com/film/2017/nov/03/6-day...